GIA LAI – KHÁM PHÁ TÂY NGUYÊN ĐẠI NGÀN
Đến khám phá Gia Lai từ lâu đã được coi là một trải nghiệm độc đáo với du khách từ khắp mọi nơi bởi vùng đất này có nhiều nét quyến rũ, hấp dẫn vô cùng. Các địa điểm du lịch ở Gia Lai phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan tự nhiên từ rừng núi, ghềnh thác suối hồ, hệ động thực vật nguyên sinh còn nhiều bí ẩn. Ngoài ra, Gia Lai cùng với các vùng đất khác ở Tây Nguyên còn hấp dẫn du khách bởi những mùa hoa cà phê, hoa dã quỳ, hoa muồng…
Biển Hồ
Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố. Theo các nhà khoa học thì hồ T’Nưng chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Hồ có hình bầu dục, độ sâu trung bình từ khoảng 12 đến 19 m. Hồ T’Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên. khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”.
Công viên Đồng Xanh
Đây là một không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Bắc Tây Nguyên với nhiều công trình văn hóa, tâm linh hoành tráng giữa không gian thiên nhiên bao la như: cây hóa thạch hàng ngàn năm tuổi, đền Thờ Vua Hùng, Vua Lửa, Vua Nước, chùa Một Cột, công viên Bách thảo… Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu và khám phá những nét độc đáo pha chút huyền bí của văn hóa Tây Nguyên qua mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài; qua truyền thuyết kết hợp với những hoa văn, họa tiết được tổng hợp và cách điệu trên biểu tượng Đài cảnh Tây Nguyên.
Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành được xem là điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Pleiku. Đây là công trình đậm đà bản sắc dân tộc được hoàn thành dựa trên các kiến trúc thời Lý, Trần. Chùa Minh Thành được coi là một công trình tiêu biểu cho việc phục dựng hình ảnh kiến trúc cổ Việt Nam.
Nhà thờ Pleichuet
Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Bảo tàng lưu giữ gần 7.000 đầu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị cao về văn hoá truyền thống như: bộ sưu tập cồng chiêng, trống lớn của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, ché cổ quý hiếm, và nhiều hiện vật có giá trị thể hiện một cách chân thực nhất các đặc trưng văn hoá của cộng đồng hai dân tộc Bahnar và Jarai.
Làng Plei Ốp
Ở trung tâm thành phố Pleiku, nhiều năm nay Plei Ốp vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng của một làng Jrai bản địa. Người dân Plei Ốp đã phát huy lợi thế này để phát triển du lịch, giúp tăng thu nhập và giữ gìn, quảng bá văn hoá Jrai.
Quảng trường Đại Đoàn Kết
Nằm giữa trung tâm thành phố với khuôn viên rộng 12 ha, đây được xem là trái tim của người dân phố núi Pleiku nói riêng và niềm tự hào của người dân tỉnh Gia Lai nói chung. Công trình được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam đó là tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn Cồng Chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Đập Tân Sơn
Hồ thủy lợi Tân Sơn thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 25km về hướng Bắc. Đập thủy lợi này nằm trên một ngã rẽ của con đường đến núi lửa Chư Đăng Ya, được xây dựng từ năm 2007 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Tên ngọn núi lửa đã dừng hoạt động hàng triêu năm có tên địa phương nghĩa là ” củ gừng dại”, thuộc tỉnh Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, cách thành phố Pleiku khoảng 30km về phía bắc. Ngọn núi lửa sẽ đẹp nhất khi bạn có thể tới đây vào mùa hoa dã quỳ.
Biển Hồ Chè
Nằm trên bờ Bắc Biển Hồ, gọi là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn. Đồi chè ở đây chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13 km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước.
Nguồn: cungphuot.info
Ảnh: baomoi, luxstay, yan, Liberzy, Cường Khỉ, Bảo Ngọc